Khi một người nào đó hoàn toàn không quen với các tính năng mà chiếc smartphone đem lại, tất cả điều này sẽ càng khiến họ gặp bối rối và áp lực hơn nữa. Hãy thử áp dụng và thay đổi cài đặt điện thoại cho người lớn tuổi theo mẹo vặt dưới đây nếu họ đang trải qua những vấn đề như vậy trong nhà nhé.
6 mẹo cài đặt điện thoại Android cho người dùng lớn tuổi
Cài đặt Trình khởi chạy đơn giản
Trên một số điện thoại thông minh hiện nay, đã có Trình khởi chạy đơn giản được thiết lập sẵn trong phần Cài đặt. Ở trình này, trên màn hình chính sẽ chỉ còn lại các biểu tượng ứng dụng được làm đơn giản dễ hiểu hơn và phóng to hơn. Bên cạnh đó, bạn có thể dễ dàng thay đổi và chỉ giữ lại những ứng dụng thực sự cần thiết mà thôi. Nếu không tìm thấy cài đặt này trên điện thoại, hãy thử qua ứng dụng Simple Launcher của bên thứ 3 tại ĐÂY.
Hạn chế các ứng dụng trên màn hình chính
Nếu bạn không muốn thực sự thay đổi toàn bộ màn hình mặc định điện thoại như cách trên, vậy thì bạn chỉ cần đơn giản là xoá bỏ, sắp xếp lại các ứng đụng trên màn hình. Đối với người lớn tuổi, các ứng dụng thiết yếu như gọi điện thoại, gọi Zalo, chụp ảnh, xem ảnh… mới cần được giữ trên màn hình. Hãy dành thời gian cho người lớn tuổi sử dụng và khám phá chiếc điện thoại thử, để bạn biết chắc rằng họ sẽ muốn làm gì, sử dụng app nào rồi sau đó lược bỏ hay giữ lại tuỳ trường hợp nhé.
Tắt chế độ tự động sửa và các cài đặt bàn phím khác
Một thử thách lớn cho người lớn tuổi ở đây nữa là việc sử dụng bàn phím cảm ứng. Như bạn đã biết thì kích thước các phím là khá nhỏ và thậm chí là chính chúng ta còn dễ bấm nhầm nữa. Để giảm thiểu các trường hợp nhập chữ rồi lại xoá, bạn có thể vô hiệu hoá các chức năng hiển thị gợi ý hay tự động chỉnh sửa từ. Hãy vào Cài đặt và tìm trong các mục về Ngôn ngữ và Phương thức nhập của bàn phím để có thể thay đổi cài đặt này.
Tăng kích cỡ chữ trên điện thoại
Một vấn đề thường xuyên gặp ở người lớn tuổi mà có thể bạn đã nghe phàn nàn rất nhiều lần là họ không thể nhìn thấy chữ trên màn hình bởi vì chữ nhỏ quá. Từ Cài đặt của Android, điều này là hoàn toàn dễ thay đổi. Hãy tăng kích cỡ chữ lên mức cao hơn bình thường để giảm tình trạng khó khăn này của họ nhé.
Cài đặt ứng dụng để khoá các ứng dụng khác
Sau khi đã cài đặt gần như hoàn chỉnh các bước để chiếc điện thoại dễ dàng sử dụng bởi người lớn tuổi trong nhà hơn, bạn hãy áp dụng thêm 1 bước nữa để đảm bảo rằng mọi thứ sẽ không bị thay đổi nữa. Trong một số trường hợp khi bối rối hoặc vô tình vẫn đang mở màn hình điện thoại để trong túi quần áo, người nhà bạn có thể thay đổi bất kỳ cài đặt gì đó không biết chừng. Để ngăn chặn những vấn đề như thế này, các bạn cần cài đặt thêm 1 ứng dụng tại ĐÂY được dùng để khoá các ứng dụng khác.
Sau khi tải về và khởi chạy ứng dụng, bạn sẽ được yêu cầu đặt mã PIN và đưa ứng dụng mà bạn muốn khoá lại. Ví dụ như Cài Đặt hay bất kỳ ứng dụng với lựa chọn “nguy hiểm” nào khác. Vậy là bạn không cần phải lo lắng gì về việc quay lại và sửa chữa các lỗi có thể xảy ra nữa.
Xem thêm các bài viết Thủ thuật Android
Đừng giải thích quá “cao siêu”
Đối với người lớn tuổi thì việc sử dụng smartphone là một trải nghiệm mới lạ và thú vị với họ. Khi giải thích cách sử dụng, hãy chú ý hướng dẫn họ từ các thông tin đơn giản nhất như làm sao để bật màn hình sáng lên, làm sao để tắt màn hình, khi nào thì cần sạc điện thoại, gọi điện / nhắn tin / chụp ảnh / xem ảnh như thế nào? Tuỳ thuộc vào người nhà bạn mà bạn có thể hướng dẫn thêm cho họ sử dụng trình duyệt web, YouTube, Zalo, TikTok,… Hãy nâng cấp từ từ các mức độ trước khi giải thích ngay cho họ cách dùng “OK Google” và các yêu cầu giọng nói bởi mình tin chắc là họ cũng sẽ thấy rất tò mò về các tính năng mà chiếc điện thoại thông minh đem lại đấy.
Tạm kết
Nhờ những chiếc smartphone mà chúng ta có thể dễ dàng giữ kết nối với những người thân yêu hơn. Tuy nhiên, do không quen sử dụng và trải nghiệm dùng thiết bị điện tử chưa nhiều nên phần nào sẽ đem lại sự bất tiện và bối rối. Mong rằng những mẹo vặt bên trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc cài đặt điện thoại cho người lớn tuổi sao cho dễ dùng nhất nhé!