Giảm thị lực, mỏi mắt, khô mắt… là những tình trạng hay gặp phải khi chúng ta sử dụng máy tính, laptop thường xuyên. Để cải thiện tình trạng trên, nhiều công nghệ bảo vệ mắt cho màn hình máy tính đã ra đời, giúp người dùng cảm thấy thoải mái và an toàn khi sử dụng. Vậy những công nghệ màn hình máy tính bảo vệ mắt là gì? Cùng mình tìm hiểu qua bài tất tần tật những công nghệ màn hình giúp bảo vệ mắt cho người dùng máy tính nhé!
1. Tại sao màn hình máy tính gây hại cho mắt?
Theo báo cáo từ các trang thông tin sức khỏe của Mỹ thì có đến 50 – 90% người dùng máy tính mắc các bệnh về mắt. Tại Việt Nam, các chứng bệnh về mắt như mỏi mắt, nhức mắt, khô mắt, cận thị, loạn thị,… là tình trạng thường gặp ở các nhân viên văn phòng, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 20 – 40.
Màn hình của các thiết bị điện tử thường phản chiếu tia ánh sáng xanh, ánh sáng xanh là một dải ánh sáng nằm trong khoảng ánh sáng mà con người có thể nhìn thấy được và ánh sáng này có thể ảnh hưởng đến thị lực và tăng nguy cơ làm mắt bị lão hóa sớm.
Nguồn ánh sáng xanh lớn nhất là ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, còn có từ nhiều nguồn khác như đèn huỳnh quang, bóng đèn CFL (đèn huỳnh quang compact), đèn LED, TV LED màn hình phẳng, màn hình máy tính, điện thoại thông minh và màn hình máy tính bảng.
Khả năng ngăn chặn ánh sáng xanh của mắt khá kém nên gần như tất cả ánh sáng xanh có thể nhìn thấy đều đi qua giác mạc, thủy tinh thể và đến võng mạc. Vì thế, việc mắt tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh có thể gây ra các bệnh về mắt như hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số, tổn thương võng mạc, thoái hóa điểm vàng,…
2. Công nghệ màn hình bảo vệ mắt máy tính là gì?
Công nghệ màn hình bảo vệ mắt trên máy tính là công nghệ màn hình hoạt động trên nguyên lý làm giảm thiểu tối đa ánh sáng truyền đến mắt. Dựa vào những tác động của màn hình đến người dùng như kích thước, độ phân giải, tấm nền,… mà các thương hiệu sản xuất máy tính sẽ tinh chỉnh phù hợp để mang đến cho người dùng cảm giác sử dụng tốt nhất.
Có nhiều tên gọi khác nhau cho công nghệ màn hình bảo vệ mắt máy tính này, chẳng hạn như Bluelightshield của Acer, Eye Care của Asus, Black Stabilizer, công nghệ Eye Saver Mode hay Flicker Free của Samsung,…
3. Những công nghệ màn hình bảo vệ mắt trên máy tính
Để bảo vệ tối ưu cho đôi mắt trước nhu cầu sử dụng máy tính nói riêng và thiết bị điện tử nói chung của người dùng, các công nghệ màn hình máy tính bảo vệ mắt người dùng đã ra đời và góp phần mang đến những trải nghiệm tốt hơn, an toàn hơn cho người dùng.
- Làm tối cục bộ (Local Dimming)
Công nghệ Local Dimming (hay còn gọi là công nghệ màn hình LED) sẽ sử dụng đèn nền thay vì đèn huỳnh quang của công nghệ LCD. Đây là công nghệ được phát triển để nâng cao độ sâu và khía cạnh ba chiều của màn hình LED. Thông qua việc làm mờ một số phần của màn hình (vốn dĩ sẽ tối và giữ cho các phần sáng của màn hình luôn sáng), người xem có thể cải thiện tỷ lệ tương phản trong quá trình sử dụng.
Cụ thể hơn thì phía sau màn hình LCD có những chiếc đèn nhỏ tạo ra ánh sáng rực rỡ, điều này giúp cho thiết bị hiển thị hình ảnh rõ nét hơn. Điểm trừ của những chiếc đèn nhỏ này là các phần tối của màn hình cũng bị chiếu sáng, do đó hình ảnh màu đen lại có màu xám khá đậm và công nghệ làm tối cục bộ (Local Dimming) là một giải pháp để hạn chế tình trạng này.
Công nghệ này đảm bảo rằng đèn sẽ được làm mờ hoặc tắt hoàn toàn vào những thời điểm cụ thể. Từ đó, những hình ảnh có màu đen trông sẽ chân thực hơn. Công nghệ Local Dimming thường được áp dụng trên nhiều thiết bị điện tử khác nhau, trong đó có cả máy tính. Local Dimming có bốn loại: toàn mảng, đèn nền, cạnh sáng và tự phát sáng.
– Làm mờ toàn mảng: Đây là hình thức tốt nhất của công nghệ Local Dimming. Phía sau màn hình là hàng trăm đèn nhỏ hoặc các vùng được làm mờ riêng lẻ. Các phần tối trở nên tối hơn, trong khi các phần sáng vẫn giữ được độ sáng ban đầu.
– Làm mờ ngược sáng: Tương tự như loại toàn mảng nhưng sử dụng ít đèn hơn. Màn hình được trang bị công nghệ Local Dimming ngược sáng có từ 4 đến 12 vùng (thường sáng hoặc mờ cùng một lúc).
– Làm mờ cạnh sáng: Ở loại này thì các đèn chỉ được đặt ở cạnh của màn hình, nhờ vào đó mà màn hình được thiết kế theo dạng mỏng. Điểm bất lợi của loại làm mờ này là đèn phải chiếu thêm để chiếu sáng khu vực trung tâm của màn hình nên đôi khi gây ra hiện tượng biến dạng hình ảnh.
– Tự phát sáng (OLED): Màn hình OLED không có hệ thống chiếu sáng nền mà là các điểm ảnh tự phát sáng sáng riêng lẻ hoặc trở nên tối hoàn toàn. Bằng cách này, hình ảnh màu đen thực sự là màu đen và không ảnh hưởng đến các phần khác. Loại màn hình này còn đảm bảo độ tương phản giữa hình ảnh tối và sáng tốt nhất.
Tuy nhiên, công nghệ Local Dimming đôi khi gây ra một số vấn đề nhỏ trên màn hình. Do kích thước tương đối lớn của các vùng đèn nền trên hầu hết các màn hình không thể làm mờ hoàn hảo đèn nền xung quanh một vật thể sáng trên nền đen.
- Điều chỉnh độ sáng tự dộng
Có lẽ công nghệ này đã khá quen thuộc với nhiều người dùng điện thoại thông minh. Thực chất thì Microsoft là hãng đầu tiên giới thiệu tính năng tự động đổi độ sáng trên hệ điều hành Windows 8. Cụ thể thì màn hình sẽ tự thay đổi từ sáng sang tối và ngược lại thông qua cảm biến ảnh sáng được tích hợp sẵn. Nói chung, công nghệ này sẽ giúp người dùng tự điều chỉnh ánh sáng phù hợp và giảm năng lượng tiêu thụ đáng kể.
Công nghệ này khá tiện lợi khi chúng ta sử dụng máy tính và điện thoại liên tục hoặc dùng trong điều kiện ánh sáng thấp (dùng thiết bị trong điều kiện này sẽ làm mắt dễ mỏi mệt, dễ tăng độ, thậm chí là mù vĩnh viễn khi phải điều tiết theo ánh sáng phát ra từ màn hình và môi trường bên ngoài).
- Công nghệ chống chói
Màn hình máy tính chống chói được thiết kế để giảm lượng ánh sáng phản chiếu ra khỏi màn hình, giúp người xem dễ chịu hơn và giảm mỏi mắt. Nếu các bạn chưa biết thì ánh sáng phản xạ hoặc ánh sáng chói có thể gây mệt mỏi cho mắt, làm giảm độ tương phản, màu sắc và độ sắc nét của màn hình.
Màn hình máy tính chống chói này hoạt động bằng cách sử dụng bề mặt mờ nhám để phân tán ánh sáng, thay vì cho phép phản chiếu ra bề mặt nhẵn. Đây là công nghệ được rất nhiều hãng sản xuất điện thoại và laptop sử dụng. Tuy nhiên, loại màn hình này lại phân tán ánh sáng ra khỏi màn hình nên trong một số trường hợp thì chúng ta sẽ khó thấy được nội dung hiển thị trên màn hình bởi vì mức độ chi tiết, màu sắc và độ tương phản đều đã bị giảm.
- Màn hình cong
Có thể nói màn hình cong là một trong những công nghệ mang tính cách mạng trong ngành công nghiệp sản xuất màn hình hiển thị. Màn hình cong giúp người dùng có thể tận dụng được mọi góc nhìn bởi ở mọi góc độ trên màn hình máy tính và màn hình này cũng không hại cho mắt và thậm chí còn cho ra chất lượng hiển thị tốt hơn với màn hình phẳng. Theo một số nghiên cứu khoa học thì màn hình này sẽ giúp mắt người dùng tiếp cận hình ảnh nhất quán hơn dựa trên cấu tạo của đôi mắt.
Về cơ bản, độ cong của màn hình cho phép mắt chúng ta thu nhận mọi thông tin hiển thị cùng một lúc mà không bị mỏi mắt. Màn hình cong có thể giúp chúng ta nhìn toàn bộ màn hình ngay cả với kích thước lớn nhất, vì thế đôi mắt của bạn sẽ có cảm giác tự nhiên và thoải mái hơn.
- Tối thiểu ánh sáng xanh (Low Blue Light)
Công nghệ tối thiểu ánh sáng xanh làm giảm thành phần ánh sáng xanh do màn hình phát ra. Nếu bạn từng nghe rằng tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử quá nhiều có thể gây hại cho mắt thì ánh sáng xanh từ màn hình chính là nguyên nhân.
Ánh sáng phát ra từ các thiết bị công nghệ như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh,… thường có ánh sáng xanh và nếu bạn dành thời gian hơn 4 giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình, bạn có thể có nguy cơ bị thoái hóa mắt.
Vì không ai có thể thực sự loại bỏ được việc tiếp xúc với ánh sáng xanh, đặc biệt khi mọi người cần sử dụng máy tính hoặc điện thoại trong thời buổi hiện đại, vì thế công nghệ tối thiểu ánh sáng xanh (Low Blue Light – LBL) đã được phát triển.
Công nghệ LBL lọc bỏ ánh sáng xanh có trong màn hình để giảm thiểu tác hại của ánh sáng xanh gây ra cho mắt. Thay vì có toàn bộ quang phổ ánh sáng nhìn thấy trong màn hình, ánh sáng xanh sẽ bị loại bỏ khỏi quang phổ. Ánh sáng xanh sẽ không biến mất nhưng mắt của bạn sẽ không còn bị ảnh hưởng nhiều.
- Công nghệ chống nháy (Flicker-Free)
Flicker-Free là một thuật ngữ chỉ các màn hình video hoạt động ở tốc độ làm mới cao và mục tiêu chính là loại bỏ hiện tượng nhấp nháy màn hình. Nói một các đơn giản hơn thì hiện tượng nhấp nháy này có nghĩa là màn hình hiển thị cần thời gian để tái tạo lại toàn bộ màn hình máy tính. Do đó, nếu độ nhấp nháy của màn hình cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tầm nhìn của chúng ta. Về bản chất, những màn hình có tỷ lệ nhấp nháy cao hơn sẽ tốt hơn những màn hình có giá trị thấp hơn.
Công nghệ chống nháy đề cập đến màn hình không sử dụng PWM (phương pháp điều xung) để giảm cài đặt độ sáng của màn hình. Công nghệ này cũng sẽ loại bỏ hiện tượng nhấp nháy màn hình để người dùng có được trải nghiệm tốt nhất.
4. Một số cách để bảo vệ mắt khi dùng máy tính
Mặc dù các thương hiệu đang cố gắng giảm bớt tác hại của ánh sáng xanh trên màn hình máy tính với mắt người dùng nhưng giải pháp này không phải là tốt nhất. Do đó, bên cạnh việc chọn các màn hình máy tính không hại cho mắt, chúng ta cần chú ý đến các mẹo bảo vệ mắt khi sử dụng máy tính nói riêng và các thiết bị điện điện tử khác nói chung.
– Sử dụng quy tắc 20/20/20: Với quy tắc 20/20/20, bạn cho đôi mắt của mình thời gian nghỉ ngơi cần thiết trong những ngày làm việc. Nếu bạn nhìn vào màn hình trong 20 phút, bạn phải nhìn một vật cách xa bạn ít nhất 20 feet (6 mét) trong 20 giây. Tuy nhiên, bạn càng nhìn ra xa màn hình càng lâu thì càng tốt!
– Đảm bảo phòng của bạn đủ ánh sáng: Sử dụng bóng đèn điện áp thấp hơn và đảm bảo ánh sáng xung quanh của bạn sáng bằng một nửa.
– Điều chỉnh ánh sáng màn hình: Nếu mắt bạn đang căng thẳng, hãy thử điều chỉnh cài đặt độ sáng phù hợp với môi trường làm việc của bạn.
– Khám mắt thường xuyên: Khám mắt thường xuyên giúp bạn kiểm tra sức khỏe mắt và đảm bảo các vấn đề về mắt của bạn không tồi tệ hơn.
– Điều chỉnh khoảng cách, tư thế cũng như thói quen sử dụng máy tính để bảo vệ mắt: Đảm bảo máy tính đặt đúng vị trí và chúng ta không nên ngồi quá gần với máy.
Tổng kết
Việc sử dụng máy tính hay các thiết bị điện tử đã chẳng còn quá xa lạ gì khi công nghệ thời nay đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, các bạn cũng cần quan tâm và bảo vệ mắt của bản thân bằng cách chọn những loại màn hình có hỗ trợ công nghệ bảo vệ mắt và thực hiện các mẹo bảo vệ mắt để có thể giữ cho đôi mắt luôn khỏe đẹp. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết.
Nguồn: Coolblue, Thewiredshopper, Wikihow.
Theo TGDĐ
function pinIt()
{
var e = document.createElement(‘script’);
e.setAttribute(‘type’,’text/javascript’);
e.setAttribute(‘charset’,’UTF-8′);
e.setAttribute(‘src’,’https://assets.pinterest.com/js/pinmarklet.js?r=’+Math.random()*99999999);
document.body.appendChild(e);
}