Trong bài viết dưới đây Tekmonk sẽ cung cấp cho bạn chi tiết mọi thông tin về mã định danh cá nhân và cách tra cứu chúng bằng điện thoại và máy tính cực đơn giản!
1# Mã định danh cá nhân là gì? Chúng có chức năng ra sao?
Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP có nói rằng:
- Mã số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số.
- Cấu trúc gồm 6 số lần lượt là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.
- Các mã số định danh cá nhân được bảo mật hoàn toàn tuyệt đối.
- Mã định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam. Chúng là mã số duy nhất của mỗi công dân và không lặp lại ở cá nhân nào khác.
Mã định danh có chức năng gì?
- Kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
- Trong một số trường hợp không thể sử dụng số Chứng minh nhân dân cũ nhưng lại chưa có thẻ Căn cước công dân thì Mã định danh là công cụ hữu ích thay thế cho giấy tờ cá nhân quan trọng của bạn.
2# Cấu trúc và ý nghĩa mã định danh cá nhân của công dân
Cấu trúc mã định danh cá nhân được lý giải như sau:
- 3 số đầu: Là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã của quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh.
- 1 chữ số tiếp theo: Là mã thế kỷ sinh hay Mã giới tính của công dân.
- 2 chữ số tiếp theo: Mã năm sinh của công dân.
- 6 số còn lại: Dãy các số này là ngẫu nhiên khác nhau ở mỗi người.
Mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mà công dân đã đăng ký giấy khai sinh có các mã từ 001 đến 096 tương ứng với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Mã thế kỷ và mã giới tính trong số định danh cá nhân được quy ước như sau:
- Công dân sinh ở thế kỷ 20 (Năm 1900 => hết năm 1999): Đối với Nam là 0, nữ là 1.
- Công dân sinh ở thế kỷ 21 (Năm 2000 =>hết năm 2099): Đối với Nam là 2, nữ là 3.
- Công dân sinh ở thế kỷ 22 (Năm 2100 => hết năm 2199): Đối với nam là 4, nữ là 5.
- Công dân sinh ở thế kỷ 23 (Năm 2200 => hết năm 2299): Đối với nam là 6, nữ là 7.
- Công dân sinh ở thế kỷ 24 (Văm 2300 => hết năm 2399): Đối với nam là 8, nữ là 9.
Mã năm sinh: thể hiện 2 số cuối năm sinh của công dân. Ví dụ bạn sinh năm 1989 thì mã năm sinh của bạn sẽ là 89.
3# Mã định danh dùng để làm gì?
Dùng để tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Mỗi một mã định danh đều gắn với các thông tin cơ bản của một cá nhân. Các thông tin này được Bộ Công an thống nhất quản lý và cập nhật, chia sẻ trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Từ hệ thống Cơ sở dữ liệu này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ sử dụng mã định danh cá nhân để thực hiện kiểm tra thông tin của người được cấp trong những trường hợp cần thiết.
Thay cho mã số thuế cá nhân để khai báo thuế
Theo quy định tại khoản 7 Điều 35 Luật Quản lý thuế 2019, khi mã định danh cá nhân được cấp cho toàn bộ người dân thì sử dụng mã định danh cá nhân được sử dụng thay cho mã số thuế.
Dùng thay cho giấy tờ tùy thân khi mua bán nhà ở
Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 30/2021/NĐ-CP quy định:
Trường hợp công dân Việt Nam đã được cấp số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì được sử dụng số định danh cá nhân thay thế cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Như vậy, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì người dân đã được cấp mã định danh cá nhân được sử dụng mã này thay cho bản sao các giấy tờ tùy thân khi làm các tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản.
4# Mã định danh tích hợp những thông tin gì?
Mỗi số định danh cá nhân trong Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ chứa đựng, tích hợp rất nhiều thông tin quan trọng của công dân. Trong đó, các thông tin cơ bản nhất là:
- Họ tên khai sinh;
- Ngày tháng năm sinh;
- Giới tính;
- Nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, tạm trú, tình trạng khai báo tạm vắng, nơi ở hiện tại…
- Quê quán;
- Dân tộc;
- Tôn giáo;
- Thông tin về người thân hoặc người đại diện hợp pháp;
- Thông tin chủ hộ và các thành viên trong gia đình;
- Ngày tháng năm chết hoặc mất tích…
5# Thủ tục xin cấp mã định danh
Đối với công dân đăng ký khai sinh
Theo Điều 14 Nghị định 137/2015/NĐ-CP, khi nhận đủ giấy tờ để đăng ký khai sinh, cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử có trách nhiệm chuyển các thông tin của người được đăng ký khai sinh cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sau đó cấp chuyển ngay số định danh cá nhân cho cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch.
Đối với công dân đã đăng ký khai sinh
Căn cứ Điều 15 Nghị 137/2015, sửa đổi bởi Nghị định 37/2021/NĐ-CP, công dân đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp số định danh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập số định danh cá nhân cho công dân theo thông tin hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Ngay sau khi xác lập được số định danh cho công dân, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh đã được xác lập và các thông tin của công dân hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Trường hợp công dân đã có số định danh cá nhân mà được xác định lại giới tính hoặc cải chính năm sinh thì cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập lại số định danh cho công dân. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có văn bản thông báo cho công dân về số định danh đã được xác lập lại.
6# Cách tra cứu mã định danh cá nhân như thế nào?
- Tra cứu mã định danh qua Căn cước công dân
Đối với những người đã có căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân nằm ngay trên căn cước của các bạn.
- Tra cứu mã định danh trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú
Những người chưa có căn cước công dân, bạn có thể tra cứu xem mã định danh cá nhân của mình tại Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Việc này không tốn quá nhiều thời gian vẫn có thể giúp bạn biết được mã định danh cá nhân của mình dù chưa có CCCD gắn chip.
Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú => Chọn Đăng nhập.
Bước 2: Thực hiện Đăng ký qua Số điện thoại để vào Cổng dịch vụ công quốc gia của bạn.
Lưu ý: Số điện thoại đăng ký phải là số điện thoại “chính chủ” đã được đăng ký thông tin của bạn với nhà mạng mà bạn đang sử dụng dịch vụ.
Bạn điền đầy đủ Thông tin cá nhân theo yêu cầu => Chọn Đăng ký => Sau khi nhập OTP và Mật khẩu thành công, bạn tiếp tục Đăng nhập để truy cập vào tài khoản.
Bước 3: Chọn Thông báo lưu trú phía cuối tại trang chủ => Tại Thông tin người khai báo, bạn sẽ thấy mã định danh cá nhân của chính mình.
Cách xác định mã định danh cá nhân cho trẻ em
Hiện nay, trẻ sơ sinh cũng là một trong những đối tượng được Bộ Công an triển khai cấp số định danh cá nhân. Vì vậy, mỗi công dân, kể cả trẻ nhỏ đều có một số định danh cá nhân trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên, trẻ em chưa có Căn cước công dân hay Chứng minh nhân dân nên không thể thực hiện tra cứu trên hệ thống. Tuy vậy, phụ huynh có thể thực hiện trực tiếp trên Giấy khai sinh cho trẻ nhà mình.
Cách xác định mã định danh học sinh
Nếu không thể tìm thấy mã định danh cá nhân trên giấy khai sinh cho học sinh thì phụ huynh có thể liên hệ công an huyện, thị xã nơi mà học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú để được cung cấp số định danh theo quy định.
Khi nào công dân được cấp mã định danh cá nhân
- Với những cá nhân đã có Căn cước công dân gắn chip, mã định danh cá nhân của người đó chính là mã số được in trên thẻ CCCD gắn chip.
- Đối với học sinh, trẻ em gia đình hãy mang theo sổ hộ khẩu lên công an huyện, thị xã nơi mình cư trú để tiến hành xin mã định danh cá nhân cho con em của mình.
Các bước đăng ký tài khoản định danh điện tử
Để có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử, các bạn phải nhờ đến sự giúp đỡ của các cán bộ công an ở Huyện, Thị xã nơi mình sinh sống. Lưu ý: Nếu đăng ký tích hợp giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… phải mang theo giấy tờ gốc để đối chiếu.
7# Giải đáp một số thắc mắc về mã định danh cá nhân
Mã định danh có phải số thẻ Căn cước?
Mã định danh cá nhân chính là số thẻ Căn cước Công dân.
Xin mã định danh của học sinh ở đâu?
Để tra cứu mã định danh cá nhân cho học sinh, phụ huynh có thể xem trực tiếp trên Giấy khai sinh của trẻ hoặc liên hệ trực tiếp với Công an xã/phường nơi trẻ đăng ký thường trú/nơi đăng ký khai sinh để xin mã số này.
Làm mã định danh mất bao lâu?
Mã định danh cá nhân của mỗi người được cấp ngay từ khi khai sinh. Vì vậy, khi có Giấy khai sinh, trẻ em sẽ được cấp ngay mã định danh.
Mã định danh có đi làm thẻ ngân hàng được không?
Mỗi ngân hàng sẽ có các yêu cầu, điều kiện khác nhau đối với khách hàng có nhu cầu mở thẻ. Nhìn chung, khách hàng thường sẽ phải đáp ứng điều kiện:
– Có Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực.
– Từ 18 tuổi trở lên. Nếu dưới 18 tuổi thì cần đi chung với người lớn như: ông bà, cha mẹ hay anh chị…
Như vậy, người từ đủ 18 tuổi được làm thẻ ngân hàng khi có các giấy tờ nhân thân chứa mã định danh cá nhân.
Mã định danh có đi máy bay được không?
Các giấy tờ có chữa mã định danh cá nhân như Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân 12 số hoặc Giấy khai sinh (đối với trẻ dưới 14 tuổi) đều là các loại giấy tờ chứng minh nhân thân bắt buộc phải có khi đi máy bay.
Tạm kết
Tekmonk đã cung cấp cho bạn tất cả thông tin về mã định danh cá nhân cho mọi công dân. Tekmonk mong rằng những thông tin hữu ích này có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về mã định danh. Nếu thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ chúng đến người thân và gia đình các bạn nhé!